Luật Đất đai 2024 có thể được thi hành sớm hơn nửa năm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có văn bản gửi bộ, ngành và UBND tỉnh, thành về việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024. Thủ tướng giao các bộ, ngành sớm trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đất đai 2024. Đây là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật này có hiệu lực từ 1/7/2024, thay vì 1/1/2025 như được thông qua tại kỳ họp hồi đầu năm nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thi hành Luật đất đai 2024
Đây chính là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. Theo đó, trước ngày 31/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Chính phủ dự thảo tờ trình của Chính phủ (kèm dự thảo nghị quyết của Quốc hội) trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Bộ trưởng Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ Nghị định quy định về quỹ phát triển đất; Nghị định quy định về thu tiền sử dụng tiền thuê đất… Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ nghị định, quyết định, thông tư liên quan.
Điểm đáng chú ý trong luật là quy định cấp “sổ đỏ” cho đất không giấy tờ mà không vi phạm pháp luật về đất đai. Luật cũng quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội…
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ về luật đất đai 2024
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu 5 nhóm nội dung vấn đề mới trong Luật đất đai 2024:Thứ nhất, đó là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Biểu hiện rõ nhất qua việc mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai của công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai là liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và DN, có nhiều quy định mới, như thiết kế quy định về thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế – xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh, thiết kế mới, thể chế hoá đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng cơ chế thoả thuận, mở rộng quỹ đất (như cho dự án có hoạt động lấn biển), quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng nhà ở xã hội…
Thứ ba, nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Như đất sử dụng kết hợp đa mục đích, thu hẹp trường hợp phải xin phép về mục đích sử dụng đất, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa…
Thứ tư là nội dung liên quan tài chính đất đai tách bạch rõ ràng và có một số chính sách ổn định tiền thuê đất.
Thứ năm là quy định nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước. Điểm đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Leave a Reply